Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là tình trạng nhân nhầy của đĩa đệm cột sống thoát ra khỏi vị trí bình thường trong vòng sợi, gây chèn ép vào các tổ chức lân cận như ống sống hay các rễ thần kinh. Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay ở nước ta bệnh lý thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng chiếm tỉ lệ khá cao, có đến 30% dân số mắc phải bệnh lý này và thường gặp ở lứa tuổi từ 20-55 tuổi. Hơn nữa, nhiều người thường phát hiện bệnh quá muộn và chữa trị không đúng cách nên bệnh có thể tái phát nhiều lần và ngày càng nặng hơn, dẫn đến mất khả năng vận động. Bệnh danh của Y học cổ truyền là Yêu thống hoặc Tọa cốt phong thuộc phạm trù Chứng tý

(Nguồn ảnh: vtv.vn)

I. NGUYÊN NHÂN VÀ YẾU TỐ THUẬN LỢI: 

– Chấn thương trong lao động và sinh hoạt hằng ngày là nguyên nhân chủ yếu gây thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Bên cạnh đó, theo thời gian, đĩa đệm sẽ bị thoái hóa và vòng xơ bao xung quanh đĩa đệm sẽ yếu và dễ bị rách hơn bình thường, kết quả là nhân đĩa đệm chui ra khỏi vòng xơ và gây chèn ép vào tổ chức lân cận.

– Theo Y học cổ truyền, bệnh phát sinh là do chính khí suy giảm tà khí thừa cơ xâm phạm kinh lạc hoặc sang chấn gây ứ huyết ở kinh lạc, khí huyết không lưu thông mà gây nên bệnh.

II. PHÂN LOẠI: 

Có nhiều cách để phân loại thoát vị đĩa đệm như phân theo vị trí đĩa đệm bị thoát vị hay theo mức độ biểu hiện trên lâm sàng.

1.Theo vị trí đĩa đệm bị thoát vị:

– Thoát vị đĩa đệm cạnh trung tâm

– Thoát vị đĩa đệm trung tâm

– Thoát vị đĩa đệm lỗ ghép

– Thoát vị đĩa đệm ra trước

2. Theo biểu hiện trên lâm sàng:

– Thể đau thắt lưng cục bộ

– Thể đau thần kinh hông to đơn thuần

– Thể liệt một nhóm cơ

– Thể hội chứng đuôi ngựa.

III. TRIỆU CHỨNG: 

– Đau vùng thắt lưng cục bộ hoặc đau thắt lưng lan xuống chân (trong trường hợp có chèn ép rễ thần kinh), đau tăng khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi

– Có thể kèm theo tê bì dọc theo đường đi của dây thần kinh hông to

– Co thắt cơ cạnh sống

– Trong trường hợp chèn ép rễ thần kinh nặng thì có thể yếu hoặc liệt 1 hoặc 2 chân, đại tiểu tiện không tự chủ

IV. ĐIỀU TRỊ: 

1. Điều trị nội khoa: kết hợp Đông và Tây Y trong điều trị

– Đợt cấp: thuốc giảm đau, nằm bất động, hạn chế vận động

– Kết hợp với thuốc y học cổ truyền

– Điện châm, Thủy châm,

– Xoa bóp bấm huyệt, Tác động cột sống

– Kéo nắn cột sống thắt lưng

– Tiêm cạnh sống thắt lưng: là phương pháp tiêm thuốc corticoid vào cạnh thắt lưng đoạn L4-L5, L5-S1. Đây là phương pháp điều trị hiệu quả đối với những trường hợp thoát vị đĩa đệm có chèn ép rễ thần kinh. Liệu trình: 4 mũi/ đợt điều trị, mỗi mũi cách nhau 3-5 ngày.

2. Điều trị ngoại khoa:

Chỉ phẫu thuật trong trường hợp yếu hoặc liệt chân, đại tiểu tiện không tự chủ, hoặc sau 2 tháng điều trị tích cực bằng nội khoa không hiệu quả.

V. PHÒNG BỆNH: 

– Tránh bưng vác nặng, tránh các tư thế sai trong sinh hoạt và lao động

– Tăng cường tập luyện thể dục thể thao, tập dưỡng sinh