Cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao thể lực và tầm vóc Việt

Theo đánh giá của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn mục tiêu Thiên niên kỷ về cải thiện, phòng chống suy dinh dưỡng ở tất cả các mức độ suy dinh dưỡng nhẹ, vừa và nặng.
Tuy nhiên, công tác cải thiện suy dinh dưỡng lại không đồng đều ở các địa phương trên cả nước. Trong khi tại các tỉnh khó khắn như Tây Nguyên, Trung du miền núi phía Bắc, tỷ lệ suy dinh dưỡng vẫn ở mức khá cao, thì tại các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thực trạng trẻ thừa cân, béo phí lại đang gây nhức nhối trong cộng đồng.
Những yếu tố dinh dưỡng ảnh hưởng đến sự phát triển
Nguyên nhân của suy dinh dưỡng là một phức hợp nhưng nguyên nhân chính thường là do khẩu phần ăn bị thiếu cả về số lượng, mất cân đối về chất lượng; bệnh tật và các yếu tố về chăm sóc. Theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, năm 2014, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi là 24,9%, thể nhẹ cân là 14,5%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng vẫn tập trung cao ở những vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn như Tây Nguyên và Trung du và miền núi phía Bắc với tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi lên đến 34,9% và 30,7%, nhẹ cân là 22,6% và 19,8% . Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi, nhẹ cân và gầy còm ở khu vực nông thôn, đặc biệt, là các xã nghèo cao hơn so với khu vực thành thị. Hiện nay, ở Việt Nam, tỷ lệ hộ nghèo trên toàn quốc chiếm 5,8-6%, đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện vùng sâu, vùng xa, miền núi khó khăn chiếm tới 33,2%.
Theo báo cáo về tình hình thiếu vi chất dinh dưỡng được điều tra trên toàn quốc năm 2014 – 2015 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 13%; tỷ lệ hàm lượng vitamin A trong sữa mẹ thấp là 34.8%; tỷ lệ thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 27.8%; tỷ lệ phụ nữ tuổi sinh đẻ bị thiếu máu dinh dưỡng là 25.5%; tỷ lệ thiếu máu dinh dưỡng ở phụ nữ có thai là 32.8%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu kẽm là 69.4%; tỷ lệ thiếu kẽm của phụ nữ tuổi sinh đẻ là 63.6% và phụ nữ có thai là 80.3%. Vi chất dinh dưỡng rất cần cho sức khỏe, sự phát triển tầm vóc và trí thông minh của trẻ. Nhu cầu những chất này thường rất nhỏ nhưng mang lại hiệu quả lớn và lại dễ bị thiếu trong chế độ ăn. Các nghiên cứu cho thấy suy dinh dưỡng không chỉ làm trẻ chậm lớn, thấp bé, nhẹ cân mà luôn đi kèm với tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng như thiếu vitamin A, thiếu máu, thiếu sắt và thiếu iốt. Các chuyên gia nhận định, tình trạng thiếu vitamin A, sắt, kẽm và I ốt vẫn tiếp tục là các vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam, đặc biệt, là tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh.
Song song với vấn nạn suy dinh dưỡng hay thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, tỷ lệ trẻ em béo phì, thừa cân đang gia tăng một cách nhanh chóng đã và đang gây nhức nhối trong cộng đồng. Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, hiện nay tỷ lệ người dân béo phì ở mức xấp xỉ 10% dân số toàn quốc, cá biệt có địa phương tỷ lệ cao gần 30%. Tình trạng béo phì ở trẻ em tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc các bệnh lý tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch gây nguy hại lâu dài cho sức khoẻ của trẻ. Gần đây, ngành Y tế đã phát hiện một số ca bệnh đái tháo đường tuýp 2 ở trẻ. PGS.TS. Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: trẻ em thành phố với thói quen ăn các đồ ăn nhanh giàu chất mỡ lại lười vận động là một trong những nguy cơ đe dọa đái tháo đường. TS. Mai phân tích: “Nếu như một em học sinh trung học năng lượng nhu cầu là khoảng 2.000kcal/ngày thì lượng đường đôi nạp vào chỉ nên ở ngưỡng 25gram. Trong khi đó, 1 lon cô ca có 36 gram đường, 1 lon bò húc là 42gram đường, 1 lon nước Sting có khoảng 56gram đường. Chỉ cần 1 ngày trẻ uống 1 món đồ uống có gas thì tỷ lệ đường đơn, đường đôi được khuyến cáo đã vượt ngưỡng rất nhiều, chưa kể đường từ các thực phẩm chế biến sẵn, gia vị. Mỗi ngày, đường góp phần tạo mỡ, thừa năng lượng gây béo phì, gây các bệnh rối loạn chuyển hóa”. Theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ học sinh từ 13-17 tuổi uống nước có gas từ 1 lần trở lên trong ngày lên đến 31%.
Chung tay cải thiện tình trạng dinh dưỡng
Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm đến công tác nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, trong đó có mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng của người dân. Với những nỗ lực vượt bậc, Việt Nam đã phát triển từ một nước nghèo trở thành một nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới và được đánh giá là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh, được xếp là nước có mức thu nhập trung bình. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, đất nước ta vẫn còn tồn tại khoảng cách giàu – nghèo giữa các địa phương trên cả nước, tình trạng mất an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng và vòng xoáy đói nghèo hiện đang xảy ra ở vùng nông thôn nghèo, vùng sâu, vùng xa… Đã có nhiều cố gắng hỗ trợ các chương trình an sinh xã hội như: hỗ trợ người nghèo, trợ cấp cho người cao tuổi hàng tháng; khám chữa bệnh cho người cao tuổi; hỗ trợ chi phí bảo hiểm y tế cho người nghèo và trẻ em; bảo trợ cho người thất nghiệp… Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc vấn đề này đỏi hỏi có sự ủng hộ, chung tay của toàn hệ thống chính trị và mỗi người dân.
Các chuyên gia nhận định: để bảo đảm an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng cần có sự phối hợp chặt chẽ đa ngành, đặc biệt là với ngành Nông nghiệp để hướng dẫn k‎ỹ thuật canh tác phù hợp, phát triển mô hìnhVAC gia đình, đưa giống mới, áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong trồng trọt chăn nuôi, bảo quản và chế biến sản phẩm sau thu hoạch tạo nguồn thực phẩm an toàn, giàu dinh dưỡng nhằm cải thiện chất lượng bữa ăn, góp phần tăng thu nhập cho gia đình; gắn liền với ý thức giữ gìn bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; có chính sách hỗ trợ hợp lý cho các hộ gia đình ở những vùng khó khăn, vùng thường xảy ra thiên tai, lụt bão.
Hưởng ứng ngày Lương thực Thế giới, Bộ Y tế phát động Tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển” từ ngày 16 đến 23 tháng 10 năm 2015. Thông điệp chính Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Y tế đưa ra trong chiến dịch truyền thông năm nay là: “Thúc đẩy chính sách bảo trợ xã hội và Phát triển Nông nghiệp bền vững góp phần giảm đói nghèo, nâng cao tình trạng dinh dưỡng cho người Việt Nam’’. Hoạt động truyền thông tập trung vào các nội dung như: nâng cao kiến thức, thực hành dinh dưỡng cho người dân trong việc lựa chọn, chế biến và sử dụng đa dạng nguồn thực phẩm an toàn, sẵn có tại gia đình, địa phương, tổ chức bữa ăn gia đình đảm bảo đủ dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm, dinh dưỡng lành mạnh và tăng cường hoạt động thể lực phòng chống thừa cân béo phì…; phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn , các ban ngành đoàn thể xã hội hướng dẫn kỹ thuật canh tác phù hợp, phát triển mô hình vườn-ao-chuồng (VAC) gia đình; thúc đẩy các hoạt động bảo trợ xã hội giúp giảm đói nghèo, tăng cường chất lượng dịch vụ y tế cho toàn dân đặc biệt là dịch vụ trong chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em; tăng cường các hoạt động truyền thông về dinh dưỡng bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Thông điệp truyền thông Tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển”, ngày 16-23/10/2015
– Phát triển VAC để tăng thu nhập gia đình, tạo nguồn thực phẩm sạch, an toàn, giàu dinh dưỡng.
– Lựa chọn, chế biến, sử dụng đa dạng nguồn thực phẩm sẵn có ở địa phương cho bữa ăn gia đình.
– Ăn uống hợp lý để phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi, nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam.
– Thực hiện dinh dưỡng lành mạnh và tăng cường vận động thể lực để phòng chống thừa cân béo phì.
– Thúc đẩy chính sách bảo trợ xã hội và nâng cao chất lượng dịch vụ trong chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em.
Gia đình và xã hội hãy chung tay xóa đói, giảm nghèo, cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao thể lực và tầm vóc cho người Việt Nam
(theo yteninhbinh.com)